Thursday, January 29, 2015

XỨ LẠ XUÂN KHÔNG VỀ…



Bài thơ Tết lưu vong đầu tiên (1976) :

XỨ LẠ XUÂN KHÔNG VỀ…

Võ Đại Tôn

(…Trên hành trình Tâm Nguyện cùng Toàn Dân cứu Người và cứu Nước từ 38 năm qua, không một ngày bỏ cuộc, mỗi lần Tết tha hương lại đến, tôi nhớ về Tết lưu vong đầu tiên – 1976 - trong đời tỵ nạn cộng sản. Sau khi vượt biển cùng một số đồng hương từ Bạc Liêu đến Mã Lai (đảo Pulau Perhentian)- đa số quý bạn đồng hương cùng đi chung ghe này, hiện đang định cư tại Brisbane, tiểu bang Queensland, Úc Châu -, tôi được đưa về thủ đô Kuala Lumpur để làm việc trong một cơ quan quân sự đặc biệt. Một buổi chiều vào dịp Tết trên đất Mã Lai, với tâm trạng lạc loài nơi xứ lạ, tôi bước vào một hiệu sách bên đường… Nơi góc tủ với nhện giăng đầy vách, có lá cờ nhỏ mang hình ảnh Quê Hương VN, trưng bày chung với những lá cờ khác trên thế giới. Tổ Quốc của tôi đó, nhỏ chưa bằng nửa bàn tay mở rộng. Lòng tôi chợt se thắt lại, bỗng dưng nước mắt lưng tròng, tôi hỏi mua và người Ấn Độ chủ tiệm sách nhìn tôi ngơ ngác, ra dấu tay giá hai đồng bạc Mã Lai. – “Đất nước này mất rồi, ông chưa biết hay sao ?” – Tôi lặng im bỏ lá cờ vào túi áo, nơi quả tim tôi đang nghẹn ngào thổn thức… Màu đỏ thắm tươi ba sọc in trên nền vàng rực. Ai bảo rằng nước tôi đã mất ? - Bạn bè tôi nằm xuống khi tuổi đầy hoa mật, nửa đời tôi đã cơ cực gian lao, giữ cho màu đỏ thêm tươi, màu vàng thêm thắm, bây giờ giá chỉ có hai đồng ! Sao Quê Hương tôi quá rẻ ? … Tôi bước vội ra đường, gặp toàn ngoại nhân xa lạ, chợt tỉnh người mới biết thật Quê Nhà tôi đã mất ! … Vết thương lại đau nhói ngang lưng, tôi lại thẩn thờ bước đi với lá cờ trong áo, và tự thấy mình qua hình ảnh con ngựa già nặng xe thổ mộ… Mặt trời đã gục xuống phía sau thành phố… Và vần chữ bài thơ Tết lưu vong đầu tiên nơi xứ lạ hiện về, hoàn thành đến câu cuối, vào buổi chiều hôm đó, trên đất Mã Lai, 1976…

Xin ghi chép lại, kính tặng Quý Vị và Quý Bạn cùng chung tâm trạng vào dịp Tết tha hương).

*
Tôi đi trong nắng Hạ
Tìm kiếm mùa Xuân qua.
Xuân của ngày xưa, Xuân của bướm hoa,
Tìm đâu thấy nơi lưu đày xứ lạ.
Quê Hương tôi cách muôn trùng biển cả
Vẫn còn Đông, không thấy bóng Xuân tươi.
Tôi vẫn hoài mơ hình dáng thuở Em cười
Trong nắng đẹp, lụa hồng khoe áo mới.
Xuân giữa đời ta, lòng chung phơi phới,
Đã về đâu ? - biền biệt ở phương nao ?
Trời đêm nay không nhẹ thoảng hương đào
Trên mái tóc, đưa tôi vào xứ mộng.
Và đêm nay tôi chờ nghe tiếng động
Pháo nổ ngoài hiên - chỉ thấy mưa bay !
Rượu nào cho tôi say
Men nào cho tôi ấm
Và Em ơi, tình nào cho hoa gấm
Của ngày xưa
Thuở bên nhau chờ đón phút Giao Thừa ? …
Trăm nỗi nhớ bạc đau từng sợi tóc.
Tôi không còn Em – Thơ nghẹn lời châu ngọc,
Tôi đã rời Quê, nhàu nát mấy tâm tư.
Xuân nào đâu ? – sao én chẳng đưa thư
Và hoa bướm không vẩy duyên đoàn tụ ?
Tôi nhớ thương ngày cũ
Và mơ buổi đoàn viên.
Tôi có người Mẹ hiền
Đi vùng Kinh tế Mới
Đôi tay cằn cổi, đào, vun, cuốc, xới,
Đốt rừng, xẻ núi, tìm cơm.
Tôi có người em nhỏ, tuổi măng thơm
Bỏ sách trường về quê lao động.
Thay cha già, nuôi bầy em bé bỏng
Đời sắn khoai, thèm miếng thịt tươi ngon.
Gồng gánh quanh năm, nắng cháy da non
Xuân là tuổi, chưa bao giờ Xuân đến !
Bạn bè tôi, ôi những người thương mến
Đã về đâu ? - đời bóng tối vây quanh.
Chí lớn chưa thành
Đành ôm tâm sự.
Thân bách chiến từng đi làm Lịch Sử
Mà hôm nay còn lại những gì đâu ?
Vì hôm nay nơi núi dữ rừng sâu
Đang mòn chết trong bao lò “cải tạo”.
Tìm cỏ rau nuốt thay từng bữa cháo
Dù đói no, lòng vẫn quyết hùng anh.
Ôi, những dòng sông xanh
Đưa hương vào luống mạ
Có còn không, liễu ven bờ rũ lá
Hay ngập tràn vì nước mắt Quê tôi ?
Những công-trường xa xôi
Bàn tay ai ôm mặt
Đợi Xuân về giữa Đông tàn hiu hắt
Nào Xuân đâu ? – Xuân cũng chết từ lâu !
Bốn mùa qua vây kín một thành sầu
Hoa Đất Mẹ nở đen màu tang tóc.
Và đêm nay giữa lòng tôi tiếng khóc
Thay pháo Giao Thừa
Thương nhớ Quê xưa
Việt Nam ơi ! … Trời lạnh vẫn còn mưa !...

Võ Đại Tôn.