Monday, February 17, 2025

Võ Đại Tôn qua AI

 

 Võ Đại Tôn is a notable figure known for his contributions as a writer, poet, and former military officer. He served as a lieutenant colonel in the Army of the Republic of Vietnam (ARVN) and was involved in various civil and military roles

.

Võ Đại Tôn is also recognized for his literary works, including his memoirs and poetry. His book "Hồi Ký Tuổi Thơ & Chiến Tranh" (Memoirs of Childhood and War) reflects on his experiences during the war and his deep love for his homeland

. He has been an active member of the Vietnamese community in Australia, where he continues to participate in cultural and literary events.

Hồi Ký Tuổi Thơ & Chiến Tranh (1945-1950) của Võ Đại Tôn

Hồi ký Tuổi Thơ & Chiến Tranh (1945-1950) của Võ Đại Tôn ra đời cách nay một thập niên. Tại California, sách đã ra mắt ngày 16/5/2010, tại phòng họp của cơ quan Stockton Boulevard Partnership, Bắc California quy tụ các hội đoàn, đoàn thể, nhân sĩ và đồng hương tham dự rất đông để nghe diễn giả Võ Đại Tôn từ Úc sang, với tuổi đời 75. Trong bài viết của Khuất Đẩu ở trong nước “Để Tang Cho Sách” ghi lại thời điểm từ “chiến dịch bài trừ văn hóa” xuống đường đốt sách 21/5/1975… trong đó, những tài liệu trung thực về giai đoạn lịch sử nầy đã bị tiêu hủy. Bài viết mới nhất (4/2021) của Song Thao ở Canada: Tháng Tư Nghĩ Về Sách Sài Gòn Xưa “Gần hai chục năm trước, khi Cộng Sản tiếp thu Hà Nội, trò đốt sách đã được bày ra. Trên hai thập niên sau, họ làm y chang lại, bài vở là một thứ bổn cũ soạn lại”. Đọc lại với bao nỗi ngậm ngùi!

Ngày 12/6/2010 trong buổi sinh hoạt “Hành trình công tâm để xây dựng lại niềm tin” và ra mắt thơ văn của tác giả Võ Đại Tôn tại nhà hàng Emerald Bay, Santa Ana đã được các văn hữu như Cao Tiêu, Nguyên Sa, Đỗ Tiến Đức và các nhân sĩ… ca ngợi tinh thần đấu tranh của chiến sĩ Quốc Gia cho lý tưởng tự do, dân chủ.


Nay đã 46 năm, đọc các bài viết trong nước đã bị lệch lạc, bóp méo sự thật vì dựa vào tài liệu tuyên truyền… Vì vậy viết lại hồi ký của tác giả Võ Đại Tôn, chứng nhân thời cuộc để trả lại sự thật của giai đoạn lịch sử: “Cái gì của César, hãy trả lại César”.

Với hồi ký “Tuổi Thơ & Chiến Tranh” trong tháng 6/2010 qua nhận định của Nguyễn Mạnh Trinh cho thấy: Đọc bút ký “Tắm Máu Đen” rồi đọc “Hồi Ký Tuổi Thơ và Chiến Tranh”, và đọc những bài thơ ký tên Hoàng Phong Linh, tôi cảm nhận rõ một điều: Sáng tác của ông là tình yêu dành cho quê hương đất nước. Phải có một tình yêu mạnh mẽ thúc đẩy nên con người chiến sĩ, thi sĩ, nghệ sĩ hòa hợp thành một con người Việt Nam đã chiến đấu trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh từ lúc tuổi thơ cho đến khi trưởng thành. Là chiến sĩ, ông hành động theo lý tưởng của mình, chấp nhận hy sinh gian khổ. Là thi sĩ, ông làm thơ, để gần hơn với mơ mộng, để yêu thương hơn quê hương. Là văn sĩ, ông mang tấm lòng thiết tha của mình giãi bày tâm can của một người nặng lòng với đất nước…

Sau khi dẫn chứng những đoạn trong hồi ký, phân tích với đoạn kết:

Đọc bút ký “Tắm Máu Đen” rồi đọc “Hồi Ký Tuổi Thơ & Chiến Tranh”, và đọc những bài thơ ký tên Hoàng Phong Linh, tôi cảm nhận rõ một điều: Sáng tác của ông là tình yêu dành cho quê hương đất nước. Phải có một tình yêu mạnh mẽ thúc đẩy nên con người chiến sĩ, thi sĩ, nghệ sĩ hòa hợp thành một con người Việt Nam đã chiến đấu trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh từ lúc tuổi thơ cho đến khi trưởng thành. Là chiến sĩ, ông hành động theo lý tưởng của mình, chấp nhận hy sinh gian khổ. Là thi sĩ , ông làm thơ, để gần hơn với mơ mộng, để yêu thương hơn quê hương. Là văn sĩ, ông mang tấm lòng thiết tha của mình giãi bày tâm can của một người nặng lòng với đất nước.

Trong hồi ký “Tuổi Thơ & Chiến Tranh” của Võ Đại Tôn in bài giới thiệu của Trần Trung Đạo, là đồng hương, tuy tuổi đời cách nhau hơn hai mươi năm nhưng cùng chung cảnh ngộ đau buồn và cùng chung tâm cảm.

“Chúng tôi những người con đi xa, gánh trên vai đôi gánh nặng. Đất nước, quê hương, tình thương và nỗi nhớ. Nhiều khi tôi thèm làm một con chim nhỏ, bay về đậu trên tấm bia và đọc cho mẹ nghe những bài thơ được đan kết từ mấy mươi năm trầm luân thống khổ. Nhưng không, đôi cánh chúng tôi quá nhỏ và quảng trời thì quá xa, ước mơ cũng chỉ là mơ ước. Chúng tôi chọn lựa một cách sống mà chúng tôi nghĩ là đúng nhất cho đời mình và đất nước nhưng chọn lựa nào mà chẳng có hy sinh. Chúng tôi đã phải hy sinh những riêng tư thân thiết nhất.

… Từ thuở chào đời, tôi đã là một đứa bé bất hạnh. Mẹ và anh chị tôi đều mất rất sớm. Trí nhớ của tôi còn quá non nớt để giữ lại hình ảnh mẹ. Mẹ tôi qua đời vì bịnh trong một xóm nhà quê nghèo khó nên không có đến một tấm hình để lại cho tôi. Cha tôi thường bảo tôi giống cha nhiều hơn giống mẹ. Tôi cũng chẳng có cậu hay dì nên tôi lại càng không thể tìm đâu ra được một nét nào của mẹ trong những người thân còn sống. 

Vì không biết mẹ, nên mẹ trở thành tuyệt đối. Khi nhìn ánh trăng tròn trong ngày rằm tháng Bảy, tôi nghĩ đó là khuôn mặt dịu dàng của mẹ, nhìn nước chảy ra từ giòng suối mát tôi nghĩ đến dòng sữa mẹ, nhìn áng mây trắng bay trên nền trời tôi nghĩ đến bàn tay mẹ, nhìn những vì sao trên dải thiên hà tôi nghĩ đến đôi mắt mẹ. 

Nói chung, hình ảnh nào đẹp nhất, tinh khiết nhất, thiêng liêng nhất, đều được tôi nhân cách hóa nên hình ảnh mẹ. Vẻ đẹp của mẹ tôi là vẻ đẹp không những tuyệt vời mà còn là tuyệt đối. Hình ảnh duy nhất của tôi về mẹ là ngôi mộ đầy cỏ mọc dưới rặng tre già ở làng Mã Châu, một ngôi làng dệt lụa bên bờ sông Thu Bồn. Ngày tôi còn nhỏ, mỗi buổi chiều khi tan trường tiểu học, trên đường về tôi thường ghé thăm mộ mẹ, nhổ những bụi cỏ hoang, trồng thêm những chùm hoa vạn thọ. Nếu tuổi thơ là tuổi hồn nhiên với những cánh diều bay, với những con bướm vàng thơ mộng thì tôi đã không có tuổi thơ. Tuổi thơ tôi là một chuỗi ngày buồn và chờ đợi một điều gì sắp đến.

Một tuổi thơ như thế có thể tạm gọi là tuổi thơ bất hạnh. Nhưng tuổi thơ tôi không phải là bất hạnh nhất hay ít bất hạnh hơn anh Võ Đại Tôn.

… Anh bất hạnh hơn tôi vì mẹ anh, người đàn bà vốn đang trọng bịnh trong người, đã phải chết trong hoàn cảnh vô cùng thảm thương, đau đớn.

... Anh Võ Đại Tôn cũng đã xác định quan điểm này trong hồi ký Tuổi Thơ và Chiến Tranh: “Viết lại cho tuổi trẻ của tôi trong nỗi trầm luân của cả một Dân Tộc và viết cho Tuổi Trẻ Việt Nam với niềm mong ước các thế hệ tương lai hiểu thấu, tránh xa, ngăn chặn, cùng nhau vượt qua mọi chướng ngại để cứu nguy Tổ Quốc và hóa giải mọi trở lực để quang phục quê hương. 

… Với tuổi đã ngoài bảy mươi, lẽ ra anh nên dành khoảng thời gian mà anh tự nhận là “hoàng hôn của một đời người” để đi đây đi đó thăm viếng người thân, tạm biệt bạn bè, hay ngồi an nhàn bên tách trà, chén rượu, nhìn mặt trời lên cao ngoài biển rộng, nhìn bóng tà dương khuất dần sau đỉnh núi cao, không, anh không thể an nhàn như thế được. Còn một hơi thở anh còn đóng góp, còn cất lên được một tiếng nói anh còn tìm cách để trao gởi những ước mơ chưa làm được hết của anh cho các thế hệ mai sau. Anh cố gắng dành thời gian còn lại để viết. Dù bàn tay anh có run hơn, đôi mắt có yếu hơn, anh vẫn cố gắng viết, bởi vì con người ai cũng phải chết nhưng sự thật lịch sử phải được sống, sống cho hôm nay và cho mãi mãi về sau…”.

Với hồi ký của anh Võ Đại Tôn qua các bài viết của các văn hữu, trong đó có Trần Trung Đạo và Nguyễn Mạnh Trinh, tôi thấy cũng đủ để cảm nhận những gì tác giả Võ Đại Tôn chia sẻ sau sáu thập niên về nơi cố hương.

Trong thời gian qua, anh và tôi thường viết qua email, anh than tuổi già sức yếu, mỗi lần nghĩ đến đất nước và cố hương lòng đau quặn thắt, không cầm được nước mắt. Cho đến lúc nầy, anh vẫn mang niềm đau vì không về được cố hương, không ôm mồ mẹ trong vòng tay như lúc tuổi thơ!

Trong mùa đại dịch quái ác nầy, ở nhà chán quá, tôi lục lại những quyển sách cũ ra đọc lại để giết thời giờ, nào ngờ hồi ký của anh Võ Đại Tôn, một lần nữa làm tôi xúc động nên ghi lại những dòng cảm nghĩ.

Sau biến cố tang thương của đất nước, tháng năm 1975, vợ chồng anh Võ Đại Tôn vượt biển sang Mã Lai đến định cư tại Úc Châu năm 1976. 

Năm 1972, Võ Đại Tôn (Trung Tá) kết hôn với chị Tuyết Mai, dạy ở trung học Long Khánh và làm xướng ngôn viên đài truyền hình Việt Nam, băng tần số 9. Năm 1978, vợ chồng sinh được cháu trai Võ Đại Nam (Cu Lỳ) và sau đó mở quá cà phê Cu Lỳ để có dịp gặp gỡ thân hữu. Với cuộc sống gia đình đang hạnh phúc như vậy nhưng anh mang nặng tấm lòng nợ nước nên tháng 2 năm 1981 trở về lại quê hương để tham gia kháng chiến phục quốc (qua đường rừng Thái-Lào) nhưng đã bị sa cơ vào tháng 10, 1981, tại biên giới Lào Việt.

Anh bị tù biệt giam hơn 10 năm tại Hà Nội. Thế nhưng từ khi ở tù cho đến khi được thả ra để trở về Úc, anh là người đi giữa hai lằn đạn bởi thủ thuật Cộng Sản Hà Nội đã dàn dựng, gài bẫy, bôi nhọ… khi anh nói rồi bị cắt xén để phát thanh và đăng báo!

Trong cuộc họp báo quốc tế ngày 13 tháng 7 năm 1982 tại Hà Nội, anh lên án chế độ tàn bạo CSVN nhưng do CS tổ chức, dàn dựng thì thành phần hiện diện (trong và ngoài nước) là người của tổ chức nên việc phổ biến qua thủ thuật tráo trở, đánh lận con đen. (Trong bài Phỏng Vấn Võ Đại Tôn, 40 Năm Đấu Tranh của Hữu Nguyên đã trả lời chi tiết về chuyến trở lại phục quốc và cuộc họp báo).

Khi được ra khỏi trại tù CS, anh cũng được ăn uống và chụp hình đăng báo… Từ nhỏ anh đã chứng kiến những trò gian manh, lật lọng của Việt Minh trong gia đình nhưng không hiểu vì sao anh lại bị gài bẫy dàn dựng như vậy? Điều bí ẩn đó tuy bất thường với mọi người nhưng với anh chỉ là “vở kịch” của bọn chúng trong giai đoạn, anh vẫn tiếp tục con đường đấu tranh suốt cuộc đời ở hải ngoại.

Trong thời điểm đó có hàng vạn sĩ quan, viên chức VNCH đang bị cầm tù ở miền Bắc nhưng CS không dàn dựng mà đem con cờ phục quốc ra với dụng ý đen tối cho thành phần nầy trước công luận. Vào thời điểm năm 1981, ở Úc có ít người Việt tỵ nạn, chưa có tổ chức đấu tranh nào, anh dấn thân trong đơn lẽ, tổ chức là trái tim và con đường quang phục là quê hương. 

Với tôi, khi còn ở trong nước đã biết và khi tỵ nạn tại Hoa Kỳ khi đọc hai nguồn tin trái ngược nhau bênh vực và chống đối… nên im lặng. Ngay cả bản thân anh cũng bị xuyên tạc là là hạ sĩ quan thông dịch viên, viên chức quèn của VNCH. 

Khi người chồng ra đi, cuối năm 1981 chị Tuyết Mai dẹp quán rồi vào làm việc ở Bưu Điện Úc. Sau khi biết tin chồng bị cầm tù, chị đã vận động với báo chí và chính quyền can thiệp cho chồng (thân phụ chị bị chết trong lao tù CS) nên chị quyết tâm tranh đấu đến cùng cho đến khi cuối năm 1991, Bộ Ngoại Giao Úc báo tin cho biết anh Võ Đại Tôn được ra tù và trở lại Úc… Có lẽ trong hoàn cảnh nghiệt ngã nhất, bi thảm nhất chỉ có người vợ mới cảm thông và lặng lẽ tìm mọi cách để cứu thoát cho chồng. Hình ảnh chị cũng như bao người “vợ tù cải tạo”  đã viết nên “trang sử” đẹp, đáng trân trọng…

Trong email, tôi nói anh viết vài dòng tiểu sử cho chính xác, và anh chỉ viết là người lính, viên chức VNCH, là chiến sĩ đấu tranh cho lý tưởng Quốc Gia, Dân Tộc. Cấp bậc, chức vụ có gì đáng nói… mà điều đáng nói đã thể hiện qua thơ văn của Hoàng Phong Linh, Võ Đại Tôn trong bốn thập niên qua. Nay tuổi anh đã gần đất xa trời, đau yếu những vẫn giữ vững tinh thần chống Cộng, yêu chuộng tự do, dân chủ cho quê hương, đất nước. Tôi hiểu và nhân quyển hồi ký nầy để chia sẻ cho nhau. 

Thật ra, viết về hồi ký nầy chỉ là phần nhỏ với tóm lực, phải đọc từng dòng trong hồi ký mới cảm nhận được những gì tác giả nói lên trong tận đáy lòng.

                              *

Quê nội tôi nằm bên cạnh sông Thu Bồn, từ Quốc Lộ I, từ cầu Cao Lâu chạy dài theo hướng Đông xuống các làng ở phía Nam thành phố Hội An. Tên gọi xã Điện Phương hiện nay qua những lần thay đổi thuộc quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ranh giới xã Điện Phương ở phía Tây thành phố Hội An, phía Bắc giáp Tỉnh Lộ 608 (Vĩnh Điện – Hội An), phía Đông của Quốc Lộ 1 (cạnh cầu Cao Lâu) và phía Nam giáp sông Thu Bồn). Điện Phương vẫn giữ tên các làng cũ như Thanh Chiêm, Phước Kiều, Phú Chiêm, Kim Bồng (thời gian thuộc xã Cẩm Kim)... Theo dòng lịch sử thì những làng nầy được hình thành mấy trăm năm về trước thời Nguyễn Hoàng, trong đó có di dân từ Thanh Hóa. Vài làng nơi nầy nổi tiếng nghề đúc đồng từ thời vua Tự Đức. Nghề bánh tráng và mì Quảng nổi tiếng từ xưa. Làng Kim Bồng rất nổi tiếng về nghề mộc, hầu hết các kiến trúc cổ kính của Hội An đều do bàn tay tài hoa của nơi nầy. Nghề diệt chiếu phổ biến ở nhiều làng.

Dòng họ Tộc Trần có 5 phái nên con cháu rất đông, ở dọc theo tả và hữu ngạn sông Thu Bồn trong hai xã Xuyên Quang, Xuyên Thái, quận Duy Xuyên (nay là xã Duy Phước) cũng gần với làng Kim Bồng. Nhà thờ Tộc Trần của tôi có ở Phú Chiêm và nhà thờ Tộc Võ của anh ở Kim Bồng.

Cũng như các nơi khác của Quảng Nam, đất đai khô cằn vào mùa hè, nghề nông vất vả nên người dân phải sống bằng những ngành nghề khác. Hơn nữa ở địa danh nầy gần sông Thu Bồn nên gánh chịu bao thiên tai vào mùa bão lụt. Quê nội anh Võ Đại Tôn ở Kim Bồng, cũng khoảng thập niên 1920, thân phụ anh ra Đà Nẵng lập nghiệp, xây dựng cơ ngơi vững chắc.

Hồi ký “Tuổi Thơ & Chiến Tranh” dày 212 trang, bài giới thiệu của Trần Trung Đạo (trang 5 đến trang 26) ghi nhận những điều, theo tôi, là đồng hương, cùng cảnh ngộ, cùng văn giới, chứng nhân nỗi thống khổ với nhau, nơi cố hương, thăng trầm của lịch sử, cảm nhận nỗi lòng anh Võ Đại Tôn qua thơ văn… mới viết được như vậy. Bài viết là tâm bút, khó có người cầm bút thứ hai trang trải với tận đáy lòng.

“Tôi sinh ra tại Hải Châu, thị xã Đà Nẵng nhưng thực ra nguyên quán dòng họ Ông Cha là làng Kim Bồng, xã Điện Phương… Tôi là đứa con thứ tám trong số mười người con của cha mẹ tôi, chín anh em trai và một chị gái” (trang 32).

“Gia đình bác, cha mẹ và chú tôi, đầu sống chung trong một ngôi nhà tạ Ngã Năm thành phố Đà Nẵng Được xây cất từ năm 1924, hiện nay là Long Phụng Từ Đường thuộc Tộc Võ)” (trang 34). Bác, cha và chú anh trúng thầu với người Pháp xây cất ngôi nhà thờ Thiên Chúa Giáo Chính Tòa (nhà thờ Con Gà) năm 1923, nổi danh công trình độc đáo. Vì vậy cha mẹ anh cho con cái học trường Pháp ở Đà Nẵng.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Nhật đầu hàng, Việt Minh cướp chính quyền. Pháp trở lại Việt Nam, khi Pháp chiếm lại Đà Nẵng và lập lại hệ thống cai trị, cuộc chiến xảy ra… Hồi ký ghi lại giai đoạn tản cư vì chiến tranh (1945-1950). Giữa năm 1946, sợ chiến tranh xảy ra ở thành phố Đà Nẵng nên gia đình anh di tản về quê nội ở Kim Bồng “Tuổi thơ của tôi bắt đầu đi vào một khúc quanh gai góc, vì chiến tranh” (trang 51).

Rồi từ đó người dân sống trong tình cảnh “một cổ hai tròng”, ngày thì bị Pháp bố ráp (ruồng, càn), Việt Minh bắt phải nộp gạo để nuôi quân trong khi người dân thiếu thốn ăn cơm độn với khoai, sắn. Và đêm thì bị Việt Minh bắt thanh niên (nam, nữ) tham gia lực lượng chống Pháp. Riêng gia đình anh gặp phải tình cảnh trớ trêu vì nghi còn thân Pháp. Việt Minh còn bắt buộc nhà của anh phải treo hình “cụ Hồ” cũng là trò thâm độc vì khi Pháp đi ruồng bố vào nhà mà thấy hình nầy thì đốt nhà để gây lòng hận thù với Pháp. Trong hồi ký, anh tả từng chi tiết về thủ đoạn gây tai họa cho gia đình anh.

Trong một lần Pháp đi ruồng, vào nhà anh lục soát, chú và các anh chị nói chuyện bằng tiếng Tây nên không làm khó dễ gì cả. Nhưng tai họa lại giáng lên đầu nhà anh “Từ lúc có Tây qua làng ruồng bố, rồi có người cố tình phao tin đồn là nhà tôi điềm chỉ cho Tây bắt cán bộ Việt Minh…” (trang 88). Ông “chủ tịch, cán bộ cao cấp của Cộng Sản” là con trai của người tá điền làm ruộng cho nhà anh, trở thành hung thần. Trong khi tất cả cơ ngơi song thân anh ở Đà Nẵng bị Tây tịch thu thì gia đình anh ở làng quê bị kết tội thân Tây. Gia đình bị cô lập, sống trong hoàn cảnh khó khăn, luôn luôn bị rình rập, cả tuổi thơ của anh chịu đựng mọi cơ cực. Nỗi đau tột cùng khi mẹ anh bị ho lao, làm cái chòi nhỏ để ở riêng vì sợ bị lây (theo ý mẹ anh), không có thuốc men nên bị cơn đau hành hạ ngày đêm. Trước tình thế đó “Sau nhiều đêm bàn tán, thêm nhiều ý kiến tính tới tính lui. Tôi được biết bác và cha tôi đồng thuận để cho mẹ tôi về lại Đà Nẵng, có hai chú đi theo” (trang 104). Đoạn đường từ Kim Bồng theo đường bộ ra Đà Nẵng rất khó khăn vì bị kiểm soát gắt gao cả Việt Minh và Tây. “Lúc ra đi, mẹ tôi 43 tuổi, chú Tám Dương 47, còn chú Mười 31 (Tháng 6 năm 1947)” (trang 110). Chuyến đi định mệnh đã biệt tăm cho đến năm 1959, 1960 mới biết thảm cảnh xảy ra!.

“Đến năm 1955, các anh tôi đều đã là sĩ quan trong Quân Đội Quốc Gia. Tôi vẫn còn đi học tại Sài Gòn. Anh Hai tôi được đi tu nghiệp tại Pháp (trường bộ binh  Saint Maxent), có gởi về cho anh Năm tôi một bức thư dài kể lại chi tiết sự kiện năm 1949 về đôi giày cườm của mẹ tôi tại làng Cổ Lưu (xã Điện Nam, Quảng Nam), kèm theo một bản đồ ghi rõ địa điểm liên hệ… Lúc nầy anh Năm tôi phục vụ tại Phân Khu Nam-Ngãi-Định trong chiến dịch tiếp thu hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Anh Sáu tôi thì đã mãn khóa sĩ quan trừ bị Thủ Đức (khóa 4/54, và đi tu nghiệp khóa “commando” ở Watchay – Hải Phòng (Ghi thêm: Khóa 4 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, nhập khóa ngày 23 tháng 11 năm 1953 (dưới thời Quốc Trưởng Bảo Đại) và mãn khóa ngày 1 tháng 6 năm 1954. Tổng số sĩ quan ra trường hồi đó là 1200)… Chúng tôi phải đợi đến năm 1959 (gần 13 năm sau, đêm mẹ và hai chú tôi ra đi từ làng Kim Bồng, 1947) sau khi anh Năm tôi được bổ nhiệm làm Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 2 Bộ Binh… Năm 1960, anh Năm tôi được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng Quảng Nam” (trang 118, 119).

Tác giả chỉ gọi anh chị theo thứ tự trong đình như cách gọi của nhiều gia đình mà thôi. Anh Năm của anh là Đại Tá Võ Hữu Thu, lúc đó ở Quảng Nam có sự tranh chấp đảng phái và tôn giáo nên chọn vị tỉnh trưởng của địa phương, không tôn giáo. Đại Tá Võ Hữu Thu nổi tiếng thanh liêm, cương trực, người dân nơi nầy rất quý mến (sau nầy ứng cử vào Dân Biểu Quốc Hội). 

(Ghi thêm: Năm 1960, anh Võ Đại Tôn làm Trưởng Ban 5, Trại Biệt Kích Long Thành, anh thông thạo tiếng Pháp và Anh nên không cần thông dịch viên nên sau nầy họ xuyên tạc, gán anh là hạ sĩ quan thông dịch viên. Sang thời Đệ Nhị Cộng Hòa, chính phủ Phan Huy Quát thành lập ngày 16/02/1965 nâng Phủ Đặc Ủy Dân Vận Chiêu Hồi thành Bộ Chiêu Hồi. Tổng Trường đầu tiên là Trần Văn Ân (trong tháng 3) kế đến là đến là Thiếu Tướng Nguyễn Bảo Trị. Anh Võ Đại Tôn, sĩ quan cấp tá trong QL Việt Nam Cộng Hòa, đã từng được biệt phái ngoại ngạch sang nhiều công vụ dân chính và sau cùng Giám Đốc Công Tác Bộ Chiêu Hồi).

Trở lại với hồi ký “Anh Năm tôi có nhờ ông Quận Trưởng quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ (ông Trần Quốc Thái) đưa đi thám sát vùng làng Cổ Lưu (theo bản đồ của anh Hai tôi vẽ lại)… Ông Quận Trưởng còn cho biết là trước đây trong thời kỳ chiến tranh, khu vực nầy do Việt Minh (Cộng Sản) kiểm soát. Có một đảng viên Cộng Sản tên là Huỳnh Thân làm trưởng ban ám sát, nổi tiếng giết người không run tay trong làng nầy và các vùng lân cận. Trong một cuộc hành quân của Quân Đội Quốc Gia, t5en6 thân bị bắt và hiện còn giam tại lao xá tỉnh Quảng Nam ở Hội An… 

Qua hồ sơ lý lịch và những bản cung khai của tên Thân nầy, các cơ quan anh ninh Quốc Gia tại địa phương kiểm chứng, anh Năm tôi cho chuyển đương sự về sở An Ninh Quân Đội để thẩm vấn thêm, Anh tôi đích thân hỏi cung, ghi thêm chi tiết nhiều sự kiện vào hồ sơ tội ác của đương sự” (trang 118, 119).

Theo lời kể của hai ông Minh và Miêng (chủ nhà, ân nhân giúp tá túc) và lời cung khai của Huỳnh Thân, tên sát thủ ghi lại:

“Mẹ và hai chú tôi từ giã nhà hai ông Minh và Miêng vào giữa đêm khuya sau khi vào nhà xin tạm nghỉ chân một lúc, băng qua làng Cổ Lưu để ra đường cái thì bị một nhóm Việt Minh (Cộng Sản) bắt giữ… Cả ba người đã bị tra kháo, đánh đập suốt 3 ngày đêm, bị kết tội là tìm đường đi “liên lạc” với Tây” (trang120) và đề cập đến các thủ đoạn tra khảo quá tàn nhẫn, nhất là người đàn bà đang bị bệnh ho lao trầm trọng.

“Hắn và hai tên thanh niên dẫn ba người ra một bãi cát trống, đêm sáng lờ mờ qua ánh trăng khuyết. Không có đem theo đèn đuốc gì cả, chỉ có cầm theo hai cái cuốc. Hắn bắt mẹ tôi ngồi riêng một chỗ. Còn hai chú thì được lệnh lấy cuốc tự đào một cái hố nhỏ. Xong rồi, khi chú Mười tôi còn đang đứng bên miệng hố, chưa biết làm gì thêm, thì thình lình tên Thân chụp một cái cuốc, phang ngang lưng chú một nhát mạnh làm chú ngã chúi xuống hố, nằm sấp, đau quằn quại. 

Trước cảnh tượng bất ngờ như vậy, chú Tám Dương tôi chưa kịp la lên thì hắn đứng phía sau dùng chân đạp chú té xuống hố. Chú tôi vừa cố lóp ngóp bò lên vừa la xin tha mạng. Hắn đứng trên miệng hố cát, cầm cuốc phang xuống, trúng ngay vào trán của chú tôi, làm chú té bật ngửa ra, nằm đè trên lưng chú Mười. Hai người chưa chết. 

Rồi, hắn đến xốc mẹ tôi đứng dậy trong khi mẹ tôi đang ôm mặt khóc lớn. Hắn lạnh lùng dẫn mẹ tôi đến cạnh miệng hố, xô xuống thật mạnh, mẹ tôi rớt xuống, nằm sấp trên người chú Tám. Hắn đứng trên hố, cầm cuốc cúi xuống phang mấy nhát thật mạnh vào lưng mẹ tôi, làm cả thân hình mẹ tôi quằn cong lại. 

Cả ba người chưa chết, nhưng không còn sức bò dậy được nữa, nằm im trong máu, chung một hố cát cạn. Tên Thân và đồng bọn dùng cuốc xúc cát lấp hố lại rồi bỏ đi. Chôn sống!” (trang 124, 125).

Với tội ác dã man tày trời của tên Huỳnh Thân, nhưng người con của mẹ - Đại Tá Tỉnh Trưởng Quảng Nam -  với cái tâm nhân bản của người Quốc Gia, không đem ra xử bắn mà “Sau nhiều ngày bàn tính trước sự đau khổ cùng cực của gia đình, anh Năm tôi đành phải chuyển tên Thân ra lao xá Thừa Phủ ở Huế để cho chính quyến xét xử theo luật pháp về nhiều tôi trạng giết người khác, không để cho chúng tôi thấy mặt hắn” (trang 130).

Ba quan tài được di chuyển từ làng Cở Lưu về bờ sông Thu Bồn gần Hội An để an táng.

Anh lại chứng kiến hình ảnh quá bi thương: Nước Trôi Mồ Mẹ. Năm 1972, anh từ Sài Gòn ra Quảng Nam trong một chuyến công tác, đứng bên nầy bờ sông Hội An thấy nước lụt dâng lên ngập cả làng Kim Bồng bên kia sông, tưởng chừng nước cuốn trôi luôn mồ mẹ anh nên xúc động làm bài thơ: 

blank


“Con quỳ bên ni dòng sông
Bên tê mồ Mẹ!

Trời ơi, nước ngập tràn đồng

Từng khúc xương trôi đau lòng con trẻ.

Con mang trong người thịt xương của Mẹ

Chừ trông nước lụt dâng về

Con còn bên ni, Mẹ mất bên tê,

Sóng bao la vỗ, bốn bề Mẹ mô?

Ngày xưa Mẹ chết, con khóc mắt khô,

Chừ xương Mẹ trôi, hồn con nước lụt.

Con quỳ bên ni, linh hồn tê buốt

Mần răng mà về bên tê chừ, Mẹ ôi!

Quê hương nước ngập tận trời

Hồn con khóc suốt một đời không nguôi!...”

(Trang 142, 144)

Sau khi mẹ anh và hai người chú ra đi biệt tăm, cha và người thân trong gia đình anh còn ở lại làng quê Kim Bồng trong 3 năm, năm tháng đó với anh là tháng này bất hạnh, đau thương nhất, địa ngục của của cuộc đời. Tuổi thơ của anh được mẹ cưng nhất, nuông chìều, lúc nào cũng gần gũi bên mẹ nay mất đi hình ảnh thiêng liêng, cao quý nhất mà anh luôn luôn tơn thờ cùng với cuộc sống tận cùng của xã hợi với bao đắng cay!

“Chúng tôi về lại Đà Nẵng sau gần 5 năm (1945-1950) đi tản cư về làng quê Kim Đồng, vì chiến tranh… Tôi đã mất tuổi thơ và điều đau đớn nhất, còn in sâu vào suốt đời tôi mãi đến hôm nay, là tôi đã mất mẹ!” (trang 183).

Cũng như anh, quê nội tôi ở các làng nơi đây lâu đời, thầy tôi là nhà nho, sùng đạo Phật nên rời quê rất sớm khoảng năm 1920 theo dòng Trường Giang vào Thăng Bình mưu sinh với chữ  nghĩa, lập nghiệp và các anh chị ra đời từ đó. Tuổi thơ học ở Hội An nên thỉnh thoảng tôi ghé về quê nội… cho đến nay hơn sáu thập niên, tôi chưa biết gì về cố hương, ngay nhà thờ Tộc Trần và nơi chốn xa xưa chỉ được biết qua hình ảnh, email của các cháu… 

Trong thời kỳ Việt Minh, tôi chưa biết gì, chỉ nghe qua lời kể của anh chị trong gia đình, hình như các làng quê miền Trung dọc theo duyên hải, ở đâu cũng vậy, người dân hoàn cảnh “một cổ hai tròng” qua các năm dài. Tôi đã đọc nhiều về sử liệu trong giai đoạn nầy như quyển Chiến Tranh 1946-1954 (từ chiến tranh Việt Minh – Pháp đến chiến tranh ý thức hệ Quốc – Cộng) của Trần Gia Phụng năm 2018, dày 568 trang. Đây là một quyển sách viết rất công phu với chú thích và hình ảnh trong bộ sách Sử Việt Đại Cương của tác giả trong mấy thập niên ở Canada. Nhưng chưa đọc tác phẩm nào viết lại giai đoạn nầy ở làng quê của 3 miền để am tường. Bút ký lịch sử Một Cơn Gió Bụi của cụ Trần Trọng Kim cho đến nay được đánh giá là tác phẩm quan trọng của giai đoạn lịch sử nhưng tổng quát trên chính trường… 

Hồi ký “Tuổi Thơ & Chiến Tranh” của tác giả Võ Đại Tôn chỉ đề cập đến quãng thời gian 5 năm (1945-1950) xảy trong gia đình và nơi cố hương với gọng kìm giữa Việt Minh & Pháp. Tháng 6 năm 1948, Hiệp định Vịnh Hạ Long, Pháp đồng ý thành lập Quốc Gia Việt Nam gồm cả ba miền Bắc Trung Nam, nằm trong Liên Hiệp Pháp. Hè năm 1949 chính phủ Quốc Gia Việt Nam ra đời, cựu hoàng Bảo Đại về nước làm Quốc Trưởng, đất nước có hai chính phủ trong tình trạng tranh tối tranh sáng. Theo sách của Trần Gia Phụng: “Lãnh thổ hai chính phủ không phân biệt giới tuyến rõ rệt. Chính phủ nào cũng tự nhận là chủ nhân chính thống toàn bộ đất nước” (Sđd trang 235)… nên ngoại trừ ở những thành phố lớn, những nơi “xôi đậu”, làng quê bị Việt Minh răn đe, ám sát người theo Quốc Gia và đảng phái đối lập… tình trạng càng căng thẳng và bi đát giữa cuộc chiến ý thức hệ Quốc/Cộng trước khi phân chia hai miền chiến tuyến. Qua sử liệu giúp tôi liên tưởng đến các bài viết đã đọc với bối cảnh, thân phận, nỗi đau thực sự trên quê hương!

Từ lâu, qua thơ văn của anh Võ Đại Tôn mới nhận nhau là đồng hương, khi đọc lại hồi ký của anh Võ Đại Tôn mới biết thêm được gốc gác, gợi lại trong tôi niềm cảm xúc.

Anh viết hồi ký nầy, theo lời chia sẻ, bằng trái tim, cảm xúc tột cùng và theo anh, nhiều lúc mắt nhòe đi trước màn hình computer vì quá xúc động. Lời thật chân tình và thán phục anh có trí nhớ rất tốt. 

blank


Có hiểu nỗi lòng, lý tưởng của anh mới hiểu được vì sao khi vừa mới tỵ nạn tại Úc, vợ anh còn trẻ, con thơ nhưng anh đành từ bỏ để chọn con đường gian nguy. 

Tôi không đề cập đến vấn đề chính trị ở đây vì trong quá khứ, như đã nói, anh là nạn nhân “đi giữa hai lằn đạn”. Anh đã đi  khắp nơi gặp gỡ, trình bày công cuộc dấn thân cho chính nghĩa. Như đã đề cập, anh không bao giờ nhắc đến thân thế của gia đình, của những người anh trong Quân Lực VNCH mà chỉ nói về bản thân từ khi rời quê hương và trở lại cố hương với cái mộng, nếu gọi là “đội đá vá trời” để “quang phục quê hương”! Vì sao và vì sao, chỉ có trái tim chân chính của anh với tinh thần đầy nhiệt huyết người con họ Võ ở Kim Bồng ảnh hưởng những bậc tiền nhân ngày xưa của Quảng Nam đã hy sinh cho đại cuộc.

Sự dấn thân cho quê hương của anh Võ Đại Tôn đã trả cái giá quá đắt từ lao tù và cả thị phi, từ tấm lòng chân chính của bản thân đến sự hoài nghi của nhiều người và sự đánh phá của kẻ thù… nhưng với tôi, anh vẫn là chiến sĩ, người lính của QLVNCH.

Với bút hiệu Hoàng Phong Linh qua các bài thơ trước năm 1975. Sau nầy với các thi phẩm Lời Viết Cho Quê Hương, Đoản Khúc Người Ra Đi và Tiếng Chim Bên Dòng Thác Champy, nhà xuất bản Bất Khuất ấn hành năm 1992, dày 119 trang.

Một số bài thơ của anh đã được phổ nhạc, trong đó có bài Mẹ Việt Nam Ơi! Chúng Con Vẫn Còn Đây được Nguyễn Ánh 9 phổ thành ca khúc vào tháng Giêng 1975. Ca khúc nầy được các ca sĩ trình bày, phổ biến rộng rãi vào thời điểm đó. Ở hải ngoại, Việt Dzũng và Nguyệt Ánh khi lưu diễn khắp nơi đều mờ đầu với ca khúc nầy.

Lời kết trong hồi ký của anh: “Tôi đã mất Tuổi Thơ và điều đau đớn nhất in sâu vào suốt cuộc đời tôi mãi đến hôm nay là tôi đã mất Mẹ” niềm đau và nỗi lòng của người con, chiến sĩ Quốc Gia bị đánh mất quê hương!

Little Saigon 5/2021

Vương Trùng Dương

Võ Đại Tôn: “Sao anh đi mà không bảo gì nhau”? Ðường về quê hương:

Ðường đời trăm vạn nẻo,

Đâu lối về quê hương?
Giao-Chỉ

Nhân dịp 35 năm nhìn lại con đường, mời quý vị trở lại với thời kỳ đầu thập niên 80 tại San Jose. Những anh bạn trẻ Ðỗ Hùng, Nguyễn Trung Cao và Hồ văn Sinh….. tổ chức đón người khách từ Úc Châu qua. Ông Võ Ðại Tôn đang đi khắp năm châu bốn bể đã ghé lại San Jose hô hào tìm đường Phục Quốc,. Thời kỳ đó không ai nói chuyện đấu tranh chính trị. Không ai nói hòa hợp hòa giải. Tại Hoa Kỳ và Nhật Bản, các tổ chức đang kết hợp để hình thành mặt trận Kháng chiến. Lãnh đạo là vị đề đốc hải quân. Bên Pháp nhiều nhóm cách mạng cũng bàn chuyện ngồi lại với nhau. Trong đó có phi công Mai Văn Hạnh. Thời đó, chống Cộng là phải tìm đường về Ðông Nam Á. Giải phóng quê hương là phải chiến đấu vũ trang.

Ban Thùy Dương cất tiếng hát:

Này em, anh sẽ về bên kia biên giới,
Đèn nhà ai hay đốm lửa quê người.

Võ Ðại Tôn là đóm lửa quê hương về từ Úc Châu. Hoàng Cơ Minh là đốm lửa của Mỹ Châu và Trần Văn Bá là đốm lửa Âu Châu.

San Jose không ai biết nhiều về Võ Ðại Tôn. Một vài người nhắc đến tên thi sĩ Hoàng Phong Linh qua bài thơ “Mẹ Việt Nam ơi!”. Tuy nhiên, với niềm hưng phấn trong không khí phục quốc, San Jose đã đón tiếp ông Võ Ðại Tôn hết sức nồng nhiệt. Tờ San Jose Mercury tường thuật tin tức và hình ảnh trên 1 trang báo lớn.

Sau đó, anh em tiễn đưa người Kinh Kha thời đại lên đường.

Võ Đại Tôn trong cuộc họp báo Hà Nội, 1982

Bẵng đi 1 năm sau, chợt thấy hình ảnh cuộc họp báo hào hùng của Võ Ðại Tôn tại Hà Nội trên TV toàn thế giới. Lúc đó hải ngoại mới biết tin ông bị bắt, bị tra tấn, rồi ông trá hàng và lừa CS Hà Nội trong một cuộc đấu tranh chính trị đâu ra đấy.

Vào tháng 7 năm 1982, Bắc Cali tổ chức ngày biểu dương tinh thần Võ đại Tôn hết sức rầm rộ. Rồi từ đó không còn tin tức gì nữa.

Người vợ đợi chờ:

Ngay lúc ông Võ Ðại Tôn đến San Jose, khi tửu hậu trà dư, chúng tôi thường tự hỏi ông này gia đình ra sao mà lại bỏ nhà đi khơi khơi như thế. Vợ con ở đâu? Kịp đến khi ông bị bắt, câu hỏi thường tình cũng vẫn đặt ra và không có câu trả lời. Vợ con ra sao?

Nhân dịp gia đình con chúng tôi đổi qua Úc làm việc 2 năm. Con gái sanh cháu đầu lòng. Bà ngoại qua Sydney nuôi cháu. Ông ngoại Giao Chỉ tháp tùng qua cái xứ mệnh danh là miền dưới của địa cầu. Chúng tôi có dịp ghé thăm và tìm hiểu chuyện gia đình của anh chị Võ Ðại Tôn. Lúc đó là vào đầu năm 1990, chị Tôn đã trải qua gần 10 năm đợi chờ bươn trải nuôi con trong cô đơn và gần như tuyệt vọng tin chồng.

Trong gian nhà đơn chiếc, chúng tôi còn thấy tấm hình sơn dầu thật lớn của anh Tôn ngay tại phòng khách. Hỏi thăm chị chuyện gia đình, người vợ trẻ chung thủy với nét mặt xa vắng và dè dặt cho biết rằng vẫn không biết tin tức chính xác của chồng từ lúc anh ra đi. Chị nói rằng vào thời gian 10 năm trước anh vẫn thường đi đó đây rồi lại trở về, Lúc đó vợ con chỉ trông cậy vào mình anh. Gia đình mới định cư ỏ Úc Châu. Con còn nhỏ, vợ không biết lái xe, nhà không có lợi tức gì chắc chắn. Sao anh đi mà không bảo gì nhau?

Chúng tôi ngồi nói chuyện nhưng ai cũng biết rằng làm sao người chồng ra đi như thế mà lại nói thật mọi điều cho vợ. Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng chính người đi cũng đang lần dò đường về mịt mù tăm cá. Có gì chắc chắn mà giãi bầy? Ðâu có phải như ngày nay đi máy bay nên biết rõ ngày giờ chia tay và giây phút tái ngộ khi trong tay có sẵn vé khứ hồi.

Chuyện tình Tuyết Mai.

Người vợ trẻ của anh Võ Ðại Tôn sinh ra tại Lào nhưng trưởng thành tại miền Nam. Cô học Văn Khoa rồi sang Luật khoa của đại học Saigon. Ði dạy trung học và làm xướng ngôn viên đài truyền hình số 9 đọc tin thời sự buổi tối.

Bản tin cuối cùng, cô giáo trung học duyên dáng và trẻ trung của TV Việt Nam đã đọc vào đêm 28 tháng 4-1975.

Tuyết Mai của đài số 9 lập gia đình với anh Võ Ðại Tôn năm 1972 khi anh Tôn là Trung Tá Giám Ðốc nha công tác của Bộ Chiêu Hồi.

Sau tháng 4-75 cả 2 vợ chồng tìm đường vượt biên qua Mã Lai trong khi thân phụ của cô ở lại đi tù “cải tạo”. Về sau ông chết trong tù.

Bà Võ Đại Tôn bế cháu trai trước Quán Cà Phê, Sách Nhạc Cu Lỳ tại Úc

Hai vợ chồng vượt biên đã được Mã lai chấp nhận định cư ngay tại thủ đô Kuala Lumpur. Với khả năng Anh ngữ và kinh nghiệm về tình báo, anh Tôn được nhận vào làm tại Bộ quốc phòng Mã Lai. Qua năm 1976 gia đình chính thức xin về định cư tại Úc Châu. Con trai đầu lòng và duy nhất của anh chị sinh ra năm 1978 tại Úc với tên Võ Ðại Nam và lúc nhỏ gọi là Cu Lỳ. Sau này, khi ra đi anh Tôn có để lại cho vợ con quán cà phê Cu Lỳ, bán sách báo và cũng là nơi chiến hữu tới lui, liên lạc. Anh đi một thời gian thì chị cũng dẹp tiệm để tìm công việc vững chắc hơn.

Nhật ký đoạn trường:

*Tháng 2 năm 1981, Võ Ðại Tôn đã ra đi.

*Từ tháng 2 đến tháng 10 năm 1981, chỉ nhận được vài tin tức từ Bangkok gửi về cho biết là anh Tôn đã vào mật khu kháng chiến Lào Tự Do của Tướng Vang Pao ở Ðông Bắc Thái Lan, sau đó thì bặt tin luôn.

*Cuối năm 1981,Tuyết Mai tập lái xe, xin việc làm ở bưu điện Úc, nuôi con chờ chồng vẫn biền biệt tăm hơi.

*Ngày 13 tháng 7 năm 1982 được điện thoại từ Mỹ của Ông Việt Ðịnh Phương, chủ bút báo Trắng Ðen gọi qua Úc lúc 12 giờ khuya. Báo cho biết là Võ Ðại Tôn đã bị bắt và bị đưa ra họp báo quốc tế tại Hà Nội. Khi nghe điện thoại, nhận tin lần đầu tiên kể từ ngày anh Tôn ra đi, Mai khụyu xuống gần như bất tỉnh. Sau đó cũng không được tin tức gì nữa.

*Tiếp tục sống cô đơn chờ tin của chồng, nuôi con ăn học và đi làm vất vả. Hoàn cảnh sống như góa phụ. Có nhiều đêm đang ôm con ngủ, nghe điện thoại, mừng quá, tưởng rằng có tin tức của chồng. Nhưng đầu giây có khi là tiếng ai đó chửi bới, hoặc tán tỉnh sàm sỡ. Lại âm thầm khóc trong bóng đêm cô đơn.

*Năm 1983 hai mẹ con qua Thụy Sĩ vào văn phòng Liên Hiệp Quốc để vận động nhờ hỏi thăm tin tức của VÐT nhưng cũng không ai biết.

*Năm 1985, một buổi trưa xin sở làm cho nghỉ bệnh, tình cờ bật tivi đài số 7 của truyền hình Úc lên coi, thấy có hình của anh Tôn họp báo ở Hà Nội. Ðài này đang chiếu cuốn phim về “10 năm sau ngày chấm dứt chiến tranh Việt Nam, 1975-1985”.

*Gọi điện thoại ngay vào đài truyền hình số 7, hỏi thăm về cuốn phim tài liệu này và tin tức của Võ Ðại Tôn. Ðài truyền hình cho biết đó là cuốn phim thời sự do phóng viên truyền hình tên là NEIL DAVIS, thực hiện cho NBC, hiện nay Neil ở Bangkok, Thái Lan.

*Tuyết Mai xin nghỉ việc một tuần lễ, bay qua Bangkok tìm gặp NEIL DAVIS. Ký Giả DAVIS đã kể lại việc ông ta tham dư buổi họp báo quốc tế tại Hà Nội của Võ Ðại Tôn, nhưng sau đó thì không biết thân phận Võ Ðại Tôn sẽ ra sao. NEIL DAVIS có cho Tuyết Mai một copy cuộn phim họp báo đó, và nói rằng thái độ bất khuất của Võ Ðại Tôn đó là sự kiện hi hữu trong đời làm phóng sự của ông ta. (Sau này NEIL DAVIS chết trong một cuộc đảo chánh ở Thái Lan khi đi quay phim). Với cuốn phim, Tuyết Mai có được hình ảnh của chồng qua cuộc họp báo ở Hà Nội, và chỉ biết âm thầm khóc.

*Kể từ ngày VÐT ra đi vào năm 1981 cho đến 1991 là đúng 10 năm dài, TM phải đơn độc đi làm nuôi con và vẫn thủy chung đợi chờ. Không có tin tức sống chết của chồng ra sao. Ði vận động với chính giới Úc Châu, với Quốc Hội Úc, nhưng không ai biết tin tức và các cuộc vận động cũng không có kết quả.

*Ðến tháng 12 năm 1991, bộ Ngoại Giao Úc Ðại Lợi bất ngờ cho biết là Võ Ðại Tôn sẽ được thả về Úc, qua sự vận động của chính giới quốc tế và của Úc Châu. Sững sờ, không tin vì đã quá mỏi mòn chờ đợi. Bộ Ngoại Giao Úc lại nói đây là tin tức nhận được từ Việt Nam. Nhưng cho đến khi nào Võ Ðại Tôn đặt chân lên đất Úc thì mới chắc chắn, vì mọi quyết định từ phía Việt Nam có thể thay đổi vào phút chót.

*Sau cùng, họ lại thông báo thêm, và qua tin tức loan báo của đài phát thanh BBC, VOA, thì Võ Ðại Tôn bị tù đúng 10 năm 1 tháng 17 ngày.Sẽ về đến Sydney vào ngày 11 tháng 12, năm 1991. Ðó là ngày Quốc tế Nhân Quyền.

*Tuyết Mai cùng một số đồng hương đã tụ tập tại phi trường quốc tế Sydney từ sáng sớm 11.12.1991. Nhưng chờ đợi trong hồi hộp đến trưa mới thấy một ông già khẳng khiu từ máy bay bước ra. Ðứa con trai nhỏ ngày nay đã thành một thiếu niên, không nhận ra cha mình.

Ông Võ Đại Tôn sau hơn 10 năm tù trở vê

*Sau hơn 10 năm biền biệt tăm hơi. Tuyết Mai nghẹn ngào không còn nước mắt để khóc khi thấy thân xác nguời chồng tàn tạ thảm thương. Ngày ra đi là một đàn ông trung niên, ngày trở về là một ông già tàn tạ, bước đi không vững. Con không biết cha là ai, vợ thì ngỡ ngàng trước thực tế hình hài, mặc dù trong lòng rộn ràng bao cảm nghĩ thương yêu nhưng vẫn không còn nước mắt để khóc mừng ngày đoàn tụ.

Ðoạn kết của chuyện tình, đoạn kết của con đường Phục quốc

Khi anh chị Võ Ðại Tôn qua Hoa Kỳ tìm cách định cư thời kỳ 90, chúng tôi có dịp tiếp xúc nhiều lần. Quả thực con đường hội nhập muộn màng của anh chị có khi còn khó khăn hơn cả đường về quê hương thuở trước. Gia đình không có hoàn cảnh hợp lệ để hưởng trợ cấp. Người chiến sĩ phục quốc về già không tìm được công việc thích hợp tại Hoa Kỳ. Cô vợ trẻ đi may thuê gặp toàn chuyện nham nhở buồn phiền. Giữa một cộng đồng đông đảo, nhiệt thành, tích cực nhưng phân hóa. Không có chỗ đứng cho người anh hùng thấm mệt. Gia đình nhỏ bé của anh chị lại phải từ giã Mỹ Quốc trở về Úc Châu, tìm lại sự thông cảm anh em với chút tình xưa nghĩa cũ. Ðó là những dữ kiện và tin tức của mặt nổi bên ngoài.

Đón tiếp tại San Jose năm 1991

Từ bên trong, chiến sĩ Võ Ðại Tôn ngày nay bỏ kiếm cung trở lại với thi sĩ Hoàng Phong Linh, cầm bút viết những vần thơ cảm khái. Còn người vợ. Cô Sinh viên Saigon ngày xưa, cô giáo trẻ dạy trường trung học Long Khánh, cô nữ xướng ngôn viên đài TV số 9 Saigon, ngày nay thực sự cô nghĩ gì? Với tình yêu đầu đời năm 72, qua 3 năm hạnh phúc của đoạn cuối chiến tranh Việt Nam, thoát đi được năm 75 đã là điều may mắn. Những năm đầu định cư, trong khi ai nấy đều lo xây dựng cuộc sống trên quê hương mới thì người chồng còn trăn trở với giấc mơ trở về. “Rồi anh đi mà không bảo gì nhau.”

Vinh quang không thấy và ngày về cũng xa dần, chỉ còn lại những lời ong bướm tán tỉnh suốt năm tháng dài cô đơn mòn mỏi. Rồi thêm vào đó là những tin đồn đau thương đứt ruột từ những trại giam khổ sai bên Việt Nam. Những tiếng thị phi của đồng hương và tin tức đánh phá trên báo chí. Người chồng yêu quý họ Võ anh hùng đã thành tay Võ đại Bịp. Cả những người bạn cũng gọi anh là kẻ háo danh và ngu đần. Võ đại Tôn trở thành người yêu nước cuối cùng của thế kỷ thứ 20 mang tiếng bạc tình, chạy theo ảo ảnh, không lo cho vợ con. Sau cùng, chung quanh cô vợ trẻ hẩm hiu chỉ còn toàn là những người khôn ngoan, thông minh và hết sức thực tế.

Sau khi anh trở về, chẳng mấy ai còn quan tâm đến vụ họp báo quốc tế làm cộng sản thâm gan tím ruột tại Hà Nội năm 82. Có lá thư gửi đến cho người chiến sĩ trở về đã đang tâm hạ bút viết rằng: “Bác Võ đại Tôn, sao bác không chết đi ?”

Nhưng trải qua bao nhiêu đau thương, bác vẫn còn sống, và người chồng đã trở về. Anh không chết đâu em. Anh về như một phép lạ, dù hình hài tiều tụy. Ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen. Khi ra đi vẫn không một lời trăn trối.

Nếu khi đi thì phải nhiều năm em mới quen dần với đau thương. Thì ngày về cũng phải có thời gian em mới quen dần với sự vui mừng. Bây giờ đôi vợ chồng xum họp bên nhau gây dựng lại một niềm ước mơ rất nhỏ.
Vợ chồng ông bà Võ Đại Tôn ngày nay

Một gia đình định cư dang dở, một công việc phục quốc dở dang. Chỉ còn cố hàn gắn lại niềm hạnh phúc về chiều.Tháng 4 nghiệt ngã 35 năm sau, năm 2010 gia đình Võ đại Tôn trở lại San Jose và nước Mỹ. Nối lại cái bắt tay muộn màng trong tình chiến hữu lúc hoàng hôn.

Tuyết Mai vẫn mãi mãi là Cô gái Việt và Hoàng Phong Linh vẫn còn là người thi sĩ trẻ một thời đã viết bài ca bất hủ. “Mẹ Việt Nam ơi! chúng con vẫn còn đây… “

© Giao Chỉ

© Đàn Chim Việt